Khi gặp tình huống bị chậm, không thể giải quyết hoặc bị từ chối cấp Sổ đỏ với lý do rằng cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan đó đã vi phạm quy định. Bạn có quyền tiến hành khiếu nại. Để thực hiện quyền này, bạn cần hiểu rõ về quy định liên quan đến thẩm quyền và quy trình khiếu nại trong trường hợp bị từ chối cấp Sổ đỏ như sau.
>>> Xem thêm: Văn phòng công chứng thứ 7 chủ nhật có mở cửa phục vụ người dân không? Những điều cần lưu ý khi tới văn phòng công chứng chứng thực hồ sơ, giấy tờ
1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Căn cứ Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Luật Khiếu nại 2011. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi chậm hoặc từ chối cấp Sổ đỏ được quy định như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), Trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
+ Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng và tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
2. Hình thức khiếu nại khi bị từ chối cấp Sổ đỏ
Căn cứ Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại quyết định, hành vi chậm cấp, từ chối cấp Sổ đỏ được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, cụ thể:
(1) Khiếu nại được thực hiện bằng đơn
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm khiếu nại;
– Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
– Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
– Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
(2) Khiếu nại trực tiếp
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như trường hợp (1).
3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
* Trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu
Bước 1: Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại
Gửi đơn khiếu nại thông qua đường bưu điện, bộ phận một cửa để gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu như đã nêu ở trên hoặc nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Bước 2: Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết.
– Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.
>>> Xem thêm: Hợp đồng cho thuê đất có cần công chứng? Thực hiện ở đâu uy tín?
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
– Kiểm tra lại quyết định, hành vi chậm cấp, từ chối cấp Sổ đỏ của mình của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.
– Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
– Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.
– Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
– Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
– Gửi kết quả giải quyết khiếu nại:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
+ Người khiếu nại;
+ Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;
+ Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu:
Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý
– Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
* Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai lần hai
Bước 1: Gửi và tiếp nhận đơn
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
– Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
– Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm có:
+ Đơn khiếu nại;
+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
>>> Xem thêm: Trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền và những vấn đề pháp lý có liên quan mà mọi người nên biết
– Nơi nộp: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Bước 2: Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết mà việc khiếu nại lần hai có đủ điều kiện thì phải thụ lý giải quyết.
– Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
– Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
– Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại. Người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
+ Người khiếu nại;
+ Người bị khiếu nại;
+ Người giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:
Điều 37 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai như sau:
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể lên tới 60 ngày.
– Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày. Tính từ ngày thụ lý.
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG NGUYỄN HUỆ
Miễn phí dịch vụ công chứng tại nhà